Phỏng vấn Anh Phạm Quốc Anh và Đại diện công ty Tokyo Gas

Sáng ngày 29/11/2017, tại Trường Đại học Dầu Khí Việt Nam đã diễn ra buổi giao lưu giữa sinh viên PVU và Công ty Tokyo Gas chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Trong buổi giao lưu thân mật, sinh viên PVU đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích. Nhân cơ hội này, phóng viên của Câu lạc bộ Truyền thông PVU đã có buổi phỏng vấn nhanh với Đại diện công ty và anh Phạm Quốc Anh (CSV Khóa 1 PVU) và hiện là nhân viên của Tokyo Gas.

tokyogas pvu 04

Khi được hỏi về sinh viên PVU, mà đại diện là anh Phạm Quốc Anh, ông Yuichi Yasaki - Phó Giám đốc công ty Tokyo Gas chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã trả lời:

- Anh ấy rất chăm chỉ và hiểu biết rộng. Anh ấy có một nền tảng tốt về kỹ thuật, nhưng chúng tôi không chỉ làm về mảng kỹ thuật, mà còn có cả mảng thương mại và pháp lý. Anh ấy luôn cố gắng tiếp thu mọi thứ. Tôi rất hài lòng vì sự cởi mở của anh ấy và tôi nghĩ rằng qua những ngày học tập ở PVU, sự tìm tòi, học hỏi kiến thức của anh ấy đã được rèn luyện rất nhiều. Chính vì vậy, anh ấy học hỏi rất nhanh và tôi rất vui vì điều đó.

Còn đây là những chia sẻ của anh Phạm Quốc Anh, cựu sinh viên khóa 1 – Chuyên ngành Khoan - Khai thác của PVU, hiện đang làm việc tại công ty Tokyo Gas chi nhánh Hồ Chí Minh:

PVU đã giúp anh những gì khi anh bắt đầu phỏng vấn và tìm kiếm việc làm?

- Thực ra thì PVU đã giúp đỡ anh rất nhiều vì với các công ty hoạt động trong nghành công nghiệp Dầu Khí thì kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên nghành được học ở trong trường hiển nhiên là một lợi thế rõ ràng. Và ngoài ra thì Tiếng Anh được đào tào trong trường cũng là một lợi thế rất lớn khi bước ra để phỏng vấn với các công ty nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng chủ yếu hiện tại là Tiếng Anh. Ngoài ra tất cả những kinh nghiệm mà anh tích lũy được sau những hoạt động ngoại khóa từ PVU, ví dụ như tham gia hoạt động của Chi hội Dầu Khí, câu lạc bộ Tiếng Anh, những kinh nghiệm làm việc nhóm, lên kế hoạch, làm sự kiện thì tất cả những công việc đó đều được áp dụng và giúp cho mình cảm thấy tự tin hơn khi phỏng vấn.

Trong thời kỳ khó khăn chung của ngành Dầu Khí hiện nay, anh có chia sẻ gì về công việc hiện tại?

- Nếu mà nói ngành công nghiệp dầu khí khó khăn thì đúng một phần thôi, chưa đủ. Với bài thuyết trình hôm nay thì các em cũng thấy được những tiềm năng rất lớn. Thứ nhất là bởi vì nhu cầu sử dụng khí của Việt Nam hiện tại thì đang tăng mà mức khí khai thác được trong nước thì thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu đó. Chính vì vậy, ngoài việc nhập khẩu thêm khí từ nước ngoài ra thì đây cũng là một cái điều kiện rất lớn để mở rộng con đường phát triển sự nghiệp sau này của sinh viên. Và thêm nữa thì khi các công ty công nghệ về nghành công nghiệp Dầu Khí của Nhật Bản cũng như các nước khác thâm nhập vào thị trường Viêt Nam thì họ cũng sẽ tạo ra được rất nhiều công việc, mang lại rất nhiều công nghệ từ đất nước của họ tới thì mình không chỉ có cơ hội làm việc mà còn có cơ hội học hỏi rất là nhiều cái công nghệ đó. Vì thế mình nghĩ là sinh viên mà đặc biệt là sinh viên PVU sẽ không cần phải lo lắng nhiều. Bởi vì như cái mình đang làm bên nghành công nghiệp khí bên mảng hạ nguồn nhưng chuyên nghành lại là thượng nguồn. Thực ra là có những cái kiến thức nhất định để bổ trợ lẫn nhau. Chính vì thế mà mình cảm thấy mình không bị mất tự tin khi mình làm việc.

Anh có nhắn nhủ gì đến các sinh viên khóa sau, đặc biệt là các sinh viên sắp ra trường không?

- Đối với các sinh viên sắp ra trường thì anh nghĩ cần 3 yếu tố:

  • Thứ nhất là phải chuẩn bị tốt về những kiến thức chuyên nghành, kiến thức tổng quát và những kỹ năng mềm, những yếu tố rất là cần thiết với sinh viên sắp ra trường làm việc. Không ai có nhiều thời gian bằng sinh viên đại học, chính vì thế mình phải tận dụng cái thời gian này để hoàn thành tốt cái vai trò của mình trong trường.
  • Thứ hai là có một kế hoạch xin việc thật là cụ thể, tức là chuẩn bị CV của mình thật là tốt, tạo mối quan hệ với các anh chị, các cô chú ở trong nghành đã đi trước từ các hoạt động ngoại khóa của trường mình, từ các cơ hội riêng mà mình có được từ đi thực tập và tham gia các sự kiện trong nghành dầu khí nói chung. Có kế hoạch để biết được mình muốn làm việc ở chuyên nghành nào, ở trong nghành công nghiệp nào và khả năng của mình có thể cống hiến như thế nào thì đó là cái kế hoạch để trước khi ra trường mình không bị bỡ ngỡ.
  • Yếu tố cuối cùng chính là tự tin. Và cái tự tin đó giúp được mình rất nhiều. Khi công ty chấp nhận tuyển mình vào làm việc thì công ty đang chấp nhận rủi ro. Và để làm giảm bớt cái rủi ro đó thì không cách nào khác, là sinh viên phải tự tin thì sự rủi ro đó sẽ trở thành một cái giá trị nhất định cho công ty mình đang làm.

Nguyễn Thị Thanh Thu – CLB Truyền thông PVU