Bài viết dành giải nhất cuộc thi "Nét bút tri ân" lần thứ I do Đoàn Trưởng tổ chức" - Link diễn đàn
"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm hoang mang của buổi tựu trường…" ( Tôi đi học – Thanh Tịnh)
Cả một vùng trời kí ức, bao la hoài niệm về một thời học trò cắp sách đến trường. Tôi vẫn nhớ những sáng tinh mơ bước vội cùng lũ bạn trên con đường làng dài và hẹp, ở quê tôi thì làm gì có mùa thu, chỉ một ít không khí lạnh tràn về xen lẫn với những ngày mưa dầm rả rích thì hình như mừa tựu trường cũng đã về. Ngày bé đi học vui lắm, được thầy cô chăm chút từng tí một, bạn bè cũng là tụi thằng tí thằng tèo trong xóm, thân quen hết cả nên suốt ngày chỉ chực chờ tham gia những trò nghịch phá. Cứ thế theo thời gian, cánh cổng trường làng khép lại với nhứng kỉ niệm ngây ngô. Nơi đó đã hình thành trong tôi một nền tảng đạo đức cơ bản hay chí ít cũng là cách cư xử với những người xung quanh tôi.
Rời làng quê khốn khó, tôi non dại bước ra phố huyện nhộn nhịp để tiếp tuc việc học phổ thông. Dường như càng lớn tôi càng ý thức được việc tôi đi học. Ấp ủ những dự định lớn lao, tôi phấn đấu thật nhiều để có thể tồn tại trong ngôi trường mới với những con người mới. Đối với tôi, ba năm dưới mái trường phổ thông là quảng thời gian quan trọng nhất, đánh dấu sự trưởng thành của bản thân. Tự chủ trong việc học, tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp. Tôi tích lũy cho mình những kiến thức cần thiết và xây dựng những tình bạn thật đẹp dưới mái trường này. Thầy cô ở đây quả thật là những người lái đò tốt bụng, chuyên chở bao nhiêu thế hệ học trò cập bến bờ mơ ước. Ngày đó, tôi cũng mơ thật nhiều cho một tương lai tốt đẹp sau này. Như bao cậu bạn khác, tôi muốn mình theo đuổi một ngành kĩ thuật nào đó, tôi muốn học để trở thành một kĩ sư khoan dầu. Suốt gần ba năm trời, tôi cứ mặc định điểm đến tiếp theo sẽ là Bách Khoa Sài Gòn, ngôi trường kĩ thuật với bề dày lịch sử, là bệ phóng cho bao thế hệ kĩ sư Việt Nam. Nhưng trong quá trình tìm hiểu về các trường đại học, tôi bị cuốn hút bởi một cái tên vô cùng ân tượng " Đại học Dầu Khí Việt Nam" và vô cùng thích thú khi đây là lần đầu trường tuyển sinh, duy chỉ có điều trường lại nằm ở thị xã Bà Rịa nơi tôi chưa từng đặt chân đến. Một góc nhỏ trong cuốn cẩm nang tuyển sinh sao lại ghi dấu sâu đậm trong lòng tôi đến thế. Sau rất nhiều băn khoăn, tôi quyết định dự thi vào ngôi trường công lập đặc biệt này. Để lại một dấu hỏi cho gia đình, thầy cô, bạn bè và trong chính bản thân tôi.
Sau một kì thi đại học khó khăn, tôi nhận được một kết quả khá tốt đủ để giúp tôi đậu vào ngôi trường Dầu Khí này. Những ngày sau đó tôi tất bật chuẩn bị cho ngày nhập trường, tôi mường tượng ra ngôi trường mới sẽ thật to, thật đẹp, tọa lạc bên cạnh một bãi biển thơ mộng nào đó vì khi ấy tôi vẫn nghĩ Bà Rịa Vũng Tàu bốn bề chỉ toàn là biển.
Ngày nhập học, tôi mang hành trang là sự tự hào của gia đình, lời động viên của thầy cô, những lới chúc tốt đẹp của bạn bè. Tôi hy vọng rằng việc từ bỏ một ngôi trường truyền thống với bề dày lịch sử để chuẩn bị là một phần lịch sử của ngôi trường đặc biệt này là một việc làm đúng đắn.
Bà Rịa chào đón tôi bằng một cái nắng oi ả, khiến tôi mệt lờ người. Phải khó khăn lắm tôi mới tìm được trường. Khác với suy nghĩ của tôi, trường mới khá nhỏ, nằm lọt thỏm trong khuôn viên của một trường nghề cũng đào tạo về Dầu Khí, lác đác xung quanh trương là một vài hàng nước. Tôi chỉ kịp có cái nhìn bao quát như vậy để sau đó là cả một sự choáng ngợp trước màu sắc, âm điệu mà các bạn tân sinh viên mang lại, có cảm giác như cả nước Việt Nam đã hội tụ về đây trong buổi sáng hôm ấy. Tôi có thể dễ dàng nhận ra các bạn Tây Nguyên khi phảng phất đâu đó trên chiếc áo trắng những vệt đỏ Bazan , các bạn miền Trung với đôi dép tổ ong huyền thoại hay mấy bạn Nam bộ với giọng nói âm vang cả một góc trời. Sau tất cả, ánh mắt ai cũng sáng lên tỏ vẻ háo hức, sẵn sàng đương đầu với những thử thách mới. Đón tiếp chúng tôi là đội ngũ giáo viên ăn vận lịch sự. Các thầy cô giúp đỡ các bạn tân sinh viên rất nhiệt tình, nên các thủ tục diễn ra nhanh chóng. Tôi được xếp ở cùng phòng kí túc với một vài người bạn mới. Chúng tôi dễ dàng làm quen và dần trở nên thân thiết. Tôi có chút hoang mang trong những ngày đầu này, liệu rằng tôi có đủ niềm tin để gắn bó với nơi này trong khoảng thời gian dài phía trước.
Buổi đầu đến lớp, tâm trạng ai cũng chán nản, nỗi nhớ nhà vô hình bao trùm cả lớp, nhất là những chiều mưa Bà Rịa buồn lê thê. Hiểu được điều này, thầy Lợi dạy toán cùng nhiều giáo viên khác nữa đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như giải bóng đá sinh viên, các câu lạc bộ tiếng anh, câu lạc bộ ghi ta…nó thật sự giúp cho tôi rất nhiều trong khoảng thời gian đầu đầy khó khăn, nỗi nhớ nhà đã vơi bớt phần nào. Rồi những buổi sinh hoạt lớp tôi được trò chuyện cùng cô Nhu xinh đẹp, cô còn trẻ nên rất hiểu tâm lí của chúng tôi, lớp dần thắt chặt tinh thần đoàn kết. Tôi mới nhận ra ở PVU, đại học không phải là học đại như nhiều người vẫn nói mà nó còn chứa đựng thật nhiều tình cảm thầy trò.
Thời gian cứ vội vã trôi, tôi ngày hai buổi lên giảng đường, miệt mài với từng con chữ. Hết đại cương rồi lại đến cơ sở ngành, tôi gồng mình tiếp nhận một khối lượng kiến thức khổng lồ. Nhưng thầy cô không bao giờ áp đặt thành tích lên chúng tôi, nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho việc học của sinh viên. Những phòng lab triệu đô khiến cho chúng tôi không dám thở mạnh mỗi khi có tiết thí nghiệm. Rồi những buổi nói chuyện chuyên đề với thầy Hiệu Trưởng, hay các chuyên gia đầu ngành đã giúp ích cho tôi rất nhiều, tôi thêm vững tin vào trường, thêm tin yêu ngành nghề mình đã chọn. Trong cuộc sống cũng vậy, có khó khăn gì các bạn lại tìm đến cô Lan, cô vui vẻ và nhiệt tình giúp đỡ. Tôi đã thông thuộc gần hết đất Bà Rịa này nhưng thi thoảng vẫn lên tìm cô chỉ để nhờ cô chuyển phát nhanh về nhà một tờ giấy xác nhận sinh viên hay tìm cô để nghe cô nhắn " gần thi rồi, đóng học phí nhanh cho cô nhé" hay " có một tờ miễn giảm mà làm mãi không xong, về làm lại" hì hì cô vui lắm.
Tôi may mắn là thế hệ đầu của trường nên vẫn hay được tham gia các hoạt động của Tập đoàn, từ những hội thao đến những cuộc triễn lãm. Những lần tham quan các công ty xí nghiệp tại thành phố biển Vũng Tàu hay chuyến đi thực địa dài ngày đều được nhà trường hỗ trợ rất nhiều. Mỗi nơi đi qua đều để lại cho tôi nhiều bài học. Những chia sẻ của thầy Nhân, thầy Trí địa chất hay của mấy anh kĩ sư giúp tôi nhận ra nhiều điều, cuộc sống sau này còn chông chênh lắm, không hẳn chỉ toàn màu hồng như những gì tôi tưởng tượng khi vẫn sống trong sự bảo bọc của gia đình, trường lớp. Ngoài xã hội kia là muôn vàn những thử thách. Nhưng tôi có niềm tin mạnh liệt ở Đại học Dầu Khí này, tôi sẽ được trang bị đầy đủ kỹ năng để trưởng thành đương đầu với sóng lớn.
Chiều Bà Rịa buông nhạt nắng, tôi lững thững bước trên vỉa hè tiến về kí túc xá lòng chất chứa nhứng suy tư. Bốn năm gắn bó nơi này, quãng thời gian sinh viên gần khép lại. Bà Rịa để lại trong tôi một cuộc sống bình dị, PVU nơi tôi đặt hết tình cảm, như ngôi nhà thứ hai, ở đó, tất cả mọi người gắn bó với nhau thành một khối bền chặt. Và còn thật nhiều trăn trở, biết bao nhiêu điều tôi chưa làm được ở cái tuổi người ta gọi là đẹp nhất cuộc đời. Nhưng tôi cũng phải tạm hài lòng để mỉm cười nhìn về quảng thời gian đã qua dưới mái trường đặc biệt này.
Một mùa 20/11 nữa lại về, nghĩ đến công lao mà những người thầy người cô đã giành cho tôi thì không có từ nào có thể diễn tả hết được. Con biết ơn thầy cô nhiều lắm. Cầu chúc cho tất cả người thầy, người cô trên đất nước Việt Nam này luôn dồi dào sức khỏe, sẽ mãi là tấm gương cho các thế hệ học trò noi theo. Chúc cho thầy cô tại trường Đại học Dầu Khí Việt Nam gặt hái đuọc nhiều thành công trong công việc, niềm vui trong cuộc sống, luôn ngập tràn năng lượng, nhiệt tình sôi nổi như những tháng ngày qua.