Ngày 10/10/2023, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Bồi dưỡng nâng cao (ATC) - Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) tổ chức hội thảo “Xây dựng văn hóa an toàn trong doanh nghiệp” dành cho cấp quản lý sản xuất, trưởng các bộ phận.
Hội thảo được chia sẻ bởi diễn giả Quản Hồng Đức - Chuyên gia tư vấn văn hóa an toàn doanh nghiệp, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV The Liner Việt Nam (TLV).
Diễn giả Quản Hồng Đức |
Tham dự Hội thảo có ông Châu Khiếu Minh - Giám đốc ATC; các cán bộ làm công tác Sức khỏe - An toàn - Môi trường (HSE) từ các đơn vị: PVEP, PV GAS, PVCFC, PQPOC, NSRP, …
Hội thảo “Xây dựng văn hóa an toàn trong doanh nghiệp” cung cấp các kiến thức về văn hóa an toàn, chiến lược, các quy trình và công cụ giúp cho tổ chức bắt đầu xây dựng và duy trì văn hóa an toàn trong môi trường làm việc. Trong đó có các chuyên đề chính: Cấu trúc của văn hóa an toàn; 25 yếu tố của văn hóa an toàn - Ngôi nhà văn hóa an toàn; Lộ trình hoàn thiện của văn hóa an toàn - Đường cong Bradley; Khảo sát văn hóa an toàn - Cách xác định mức độ hoàn thiện của văn hóa an toàn; Mô hình giải pháp an toàn tích hợp (ISSM); Vai trò và trách nhiệm giải trình trong việc xây dựng văn hóa an toàn;…
Toàn cảnh hội thảo và các đại biểu tham dự |
Diễn giả Quản Hồng Đức nhấn mạnh: “Văn hóa an toàn luôn tồn tại trong các tổ chức và nhà máy sản xuất ở tất cả loại hình doanh nghiệp và quy mô sản xuất. Văn hóa an toàn có thể tồn tại độc lập hoặc là một phần của văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa an toàn tại nơi làm việc được hình thành, củng cố, duy trì hoặc phát triển theo thời gian và được quyết định bởi cách thức mà doanh nghiệp vận hành hoặc tổ chức sản xuất”.
Văn hóa an toàn tại nơi làm việc là cách thức làm việc không chịu tác động bởi các hình thức giám sát mà người lao động thể hiện trong mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh để bảo vệ và duy trì an toàn và sức khỏe cho chính bản thân họ trong suốt thời gian làm việc. Văn hóa an toàn tại nơi làm việc phát triển qua 4 giai đoạn, đó là giai đoạn bản năng, giai đoạn giám sát, giai đoạn tự chủ và giai đoạn đội nhóm.
Làm bài tập nhóm một trong những hoạt động tương tác, trao đổi tại Hội thảo |
Giai đoạn bản năng là giai đoạn người lao động làm việc theo cách hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm, kỹ năng của bản thân. Người lao động ra quyết định dựa trên sự phỏng đoán và trực giác của họ. Hầu như không có nội quy, quy định và các hướng dẫn cụ thể về an toàn. Tỷ lệ tai nạn khá cao và hầu như không có báo cáo, thống kê. Giai đoạn này được chia làm 2 cấp độ: Cấp độ văn hóa của sự thoải mái - Người lao động làm việc theo bản năng, kinh nghiệm cá nhân; Cấp độ văn hóa của sự phòng ngừa - Bắt đầu có sự can thiệp của các quy định pháp luật. Ban giám đốc nhà máy đặt mục tiêu tuân thủ pháp luật.
Giai đoạn giám sát là giai đoạn người lao động làm việc với sự tuân thủ các nội quy, quy định và hướng dẫn cụ thể đối với công việc. Hầu như không có cơ hội cho sự phỏng đoán để ra quyết định. Tuy nhiên, tính kỷ luật lao động được duy trì nhờ vào cơ chế giám sát. Tỷ lệ tai nạn giảm và các tai nạn thường xảy ra vào những thời điểm mà sự giám sát giảm sút hoặc người lao động không duy trì được tính kỷ luật trong lao động. Giai đoạn này được chia làm 2 cấp độ: Cấp độ văn hóa tuân thủ - Bắt đầu có sự can thiệp của ban lãnh đạo và cấp quản lý nhà máy thông qua việc ban hành các nội quy, quy định, tiêu chuẩn an toàn mang tính nội bộ đối với các hoạt động sản xuất và kinh doanh; Cấp độ văn hóa kỷ luật - Bắt đầu có các cơ chế giám sát buộc người lao động phải thực hiện các nội quy, quy định, tiêu chuẩn. Các biện pháp chế tài, xử phạt được áp dụng đối với các vi phạm. Đây là giai đoạn bản lề và xây dựng nền tảng, đóng vai trò bước đệm cho những cấp độ phát triển cao hơn.
Giai đoạn tự chủ là sự tuân thủ của người lao động đối với các nội quy, quy định về an toàn mang tính chủ động của chính họ. Người lao động không quan tâm và bị ảnh hưởng bởi các cơ chế giám sát. Các quy định an toàn được lồng ghép vào quy trình sản xuất và được vận hành bởi người lao động hằng ngày như một điều hiển nhiên. Người lao động cũng chủ động phát hiện những nguy cơ, rủi ro và báo cáo để tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất. Giai đoạn này được chia làm 2 cấp độ: Cấp độ kiểm soát bằng quy trình - Bắt đầu tích hợp, lồng ghép quy định, yêu cầu an toàn vào quy trình vận hành sản xuất và trao quyền kiểm soát cho người lao động; Cấp độ tự chủ, còn gọi là văn hóa an toàn tự chủ.
Giai đoạn đội nhóm là giai đoạn người lao động bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến an toàn của người khác bao gồm đồng nghiệp, nhà thầu, khách... Người lao động sẵn sàng can thiệp, lên tiếng nhắc nhở nếu phát hiện hành vi không an toàn bởi vì đối với họ đó là điều không thể chấp nhận được.
Quá trình chuyển đổi văn hóa an toàn trong doanh nghiệp |
Theo diễn giả Quản Hồng Đức, chuyển đổi văn hóa an toàn là một quá trình không phải là một chương trình. Khi quá trình này được thực hiện một cách có hệ thống với sự cam kết cao, sự thay đổi về chất sẽ xảy ra và tạo ra các cải thiện có thể đo lường được ở tất cả các tổ chức, nhà máy sản xuất.
Hội thảo tiếp nhận nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp sát thực tế của các cán bộ HSE đến từ các đơn vị. Qua đó có thể ứng dụng vào doanh nghiệp để xây dựng văn hóa an toàn, bảo đảm sự an toàn tối đa trong hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Văn hóa an toàn không chỉ là một nét văn hóa mang đậm chất nhân văn của doanh nghiệp mà còn có thể giúp doanh nghiệp tạo ra những thành tích đáng kể trong kinh doanh. Các nhà lãnh đạo cần hiểu rằng văn hóa an toàn phải được xây dựng trước hết bằng cái tâm của người quản lý và cái tâm đó được thể hiện bằng hành động: làm tất cả những gì có thể làm được vì sự an toàn cao nhất cho người lao động.
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo |
Diễn giả Quản Hồng Đức khẳng định: “Xây dựng văn hóa an toàn trong doanh nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích, đó là tạo nên tiêu chuẩn để hướng đến thành tích cao; tạo nên con người có tính kỷ luật; làm nền tảng cho hoạt động sản xuất hoàn hảo; giảm tai nạn lao động kể cả là tai nạn nhẹ; nâng cao thương hiệu nhà tuyển dụng, gia tăng sự gắn kết cho người lao động”.
Trong hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ thực tiễn tại đơn vị mình cũng như nghe bài học kinh nghiệm về xây dựng văn hóa an toàn tại một số doanh nghiệp lớn.
Trung tâm Bồi dưỡng nâng cao (Trường Đại học Dầu khí Việt Nam) thường xuyên thiết kế và tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao, chuyên sâu trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục đồng hành triển khai Đề án tái tạo văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn đến các doanh nghiệp trong ngành, tận dụng thế mạnh về sự am hiểu ngành nghề, cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu, các đối tác và chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng giải pháp đưa các giá trị văn hóa cốt lõi vào thực tiễn hoạt động của đơn vị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và hướng đến sự phát triển bền vững. |