Cổ phần hóa PV Power, BSR và PVOIL thu về thặng dư cho Nhà nước khoảng 7.450 tỷ đồng

Chiều ngày 17/8/2018, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức lễ tổng kết công tác cổ phần hóa 3 đơn vị: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIl) và Công ty Cổ phần Lọc-Hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công Thương, các thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa. Về phía Tập đoàn Dầu khí có đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; đồng chí Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn, các đồng chí Thành viên HĐTV, Ban Tổng Giám đốc, lãnh đạo các Ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị PVPower, BSR và PVOIl.

Tại buổi lễ, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Đinh Văn Sơn, thay mặt Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa các đơn vị đã báo cáo kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp tại PV Power, PVOIl và BSR. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí) đã cơ bản hoàn thành công tác cổ phần hóa ba đơn vị thành viên Tập đoàn là PVPower, PVOIl và BSR.


Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Đinh Văn Sơn báo cáo tổng kết công tác cổ phần hóa tại 3 đơn vị

Ban chỉ đạo đã chỉ đạo ba đơn vị xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng Phương án cổ phần hóa phù hợp với các quy định hiện hành để báo cáo Hội đồng Thành viên Tập đoàn thông qua, trình Bộ Công Thương công bố giá trị doanh nghiệp và đề nghị Bộ Công Thương thẩm định, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa và triển khai thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật.

Công tác kiểm kê, xử lý tài chính, xác định giá trị thực hiện theo đúng các quy định hiên hành. Sau khi tổ chức tư vấn định giá lập hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, Tập đoàn đã báo cáo và kiến nghị Bộ Công Thương mời Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi Bộ Công Thương công bố giá trị doanh nghiệp.

Tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp như sau: PVOIl là 19.309 tỷ đồng; PVPower 60.623 tỷ đồng; BSR 72.880 tỷ đồng. Giá trị doanh nghiệp xác định lại của ba đơn vị đều tăng so với giá trị sổ sách, là cơ sở để xác định giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Cụ thể, giá khởi điểm của PVOIl là 13.400 đồng/CP, PVPower là 14.400 đồng/CP, BSR là 14,600 đồng/CP.


Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Trần Sỹ Thanh tặng hoa biểu dương Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc cổ phần hóa 3 đơn vị

Phương án cổ phần hóa được xây dựng phù hợp với tình hình, kế hoạch sản xuất kinh doanh và lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, công khai, dân chủ của toàn thể người lao động thông qua Đại hội công nhân viên chức. Sau nhiều lần rà soát, tiếp thu ý kiến góp ý rộng rãi của CBCNV, của các Thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Lãnh đạo Tập đoàn và các Bộ ngành liên quan, Tập đoàn đã hoàn thiện Phương án báo cáo Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 8/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1977/QĐ-TTg ngày 08/12/2017 về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, 1979/QĐ-TTg ngày 08/12/2017 về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Dầu Việt Nam, 1978/QĐ-TTg ngày 08/12/2017 về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Lọc-Hóa dầu Bình Sơn.

Ban chỉ đạo cổ phần hóa đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để tổ chức Roadshow giới thiệu cơ hội, giải đáp các câu hỏi về tiềm năng khi đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí. Kết quả, việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng được thực hiện thành công, thu về thặng dư khoảng 7.450 tỷ đồng cho Nhà nước.


Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn tặng bằng khen cho các đơn vị đang hoàn thành xuất sắc công tác cổ phần hóa

Ngay sau khi hoàn tất việc bán đấu giá cổ phần, cổ phiếu của 3 đơn vị đã được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Upcom (cổ phiếu BSR giao dịch vào ngày 1/3/2018, cổ phiếu PVPower giao dịch vào ngày 6/3/2018, cổ phiếu PVOIl giao dịch vào ngày 7/3/2018), chỉ sau hơn 2 tháng kể từ ngày bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO).

Bên cạnh đó, việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược đã được triển khai tích cực và khẩn trương. Căn cứ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí đã chỉ đạo các đơn vị cung cấp thông tin, giới thiệu cơ hội đầu tư, xem xét hồ sơ đăng ký, tiến hành đàm phán và thực hiện các thủ tục có liên quan để sớm hoàn tất việc bán cổ phần cho các Nhà đầu tư chiến lược. Cổ phiếu của cả 3 đơn vị đã nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư chiến lược, riêng PVOIl, số lượng nhà đầu tư đủ điều kiện mua cổ phần, đã thực hiện thẩm định đầu tư và có văn bản đăng ký mua cổ phần là 04 nhà đầu tư (SK Energy, Idemitsu, Sovico và HD Bank) với tổng khối lượng cổ phần đăng ký dự kiến của các nhà đầu tư gấp 2,86 lần khối lượng chào bán.


Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo tại buổi tổng kết

Do đã hết thời hạn chào bán cho cổ đông chiến lược và thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại văn bản số 5030/VPCP-ĐMDN ngày 30/5/2018, Ban chỉ đạo CPH đã chỉ đạo PV Power, PVOIl, BSR tổ chức ĐHĐCĐ lần đầu và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần (BSR tổ chức ĐHĐCĐ lần đầu ngày 21/6/2018, PV Power 26/6/2018, hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ 1/7/2018. PVOIl đã tổ chức ĐHĐCĐ lần đầu vào ngày 30/7/2018, hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ 1/8/2018).

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ban chỉ đạo, tổ giúp việc, 3 đơn vị cổ phần hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí Trần Sỹ Thanh cho rằng, thành công lớn nhất là chuyển đổi sang công ty cổ phần – giúp các Tổng công ty, Công ty có thêm động lực mới, nguồn lực mới cho sự phát triển trong thời gian tới.

Đồng thời, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Trần Sỹ Thanh khẳng định, việc cổ phần hoá này cũng là cơ hội giúp tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng hoạt động và tổ chức gọn nhẹ hiệu quả hơn nhất là trong bối cảnh thị trường dầu khí ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

 Kết quả cụ thể việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của các đơn vị:

Công ty TNHH MTV Lọc-Hóa Dầu Bình Sơn (BSR): đã bán đấu giá thành công 241.427.969 cổ phần (tương đương 7,79% VĐL), thu về số tiền 5.414.651.191.200 đồng với giá đấu thành công bình quân: 23.043 đồng/cổ phần. Thặng dư khoảng 3.150 tỷ đồng.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower): đã bán đấu giá thành công 467.802.523 cổ phần (tương đương20% VĐL), thu về số tiền 6.987.286.898.480 đồng với giá đấu thành công bình quân: 14.938 đồng/cổ phần. Thặng dư khoảng 2.300 tỷ đồng.

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIl): đã bán đấu giá thành công 200.445.036 cổ phần (tương đương 20% VĐL), thu về số tiền 4.039.964.286.800 đồng với giá đấu thành công bình quân: 20.155 đồng/cổ phần. Thặng dư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Hiền Anh