(Báo Năng lượng Mới) TS. Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Trường chia sẻ nhân dịp Khai giảng khóa I

Ngày 25-11-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2157/QĐ-TTg về việc thành lập Trường đại học Dầu khí Việt Nam (ĐHDKVN) theo mô hình trường đại học công lập đặc biệt. Nhân dịp khai giảng khóa I của ĐHDKVN, Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Trường.

(Bài đăng trên Báo Năng lượng mới số 63 ra ngày 18/10/2011)

PV: Trên cương vị của một người lãnh đạo cơ sở đào tạo ngành Dầu khí, ông đánh giá như thế nào về đội ngũ chuyên gia của ngành hiện nay?

TS Nguyễn Văn Minh: Môi trường hoạt động của lĩnh vực dầu khí ngày càng mang tính cạnh tranh quốc tế nên cao đòi hỏi hỏi đội ngũ cán bộ chuyên gia phải năng động, quyết đoán, am hiểu môi trường kinh doanh, văn hóa, luật lệ quốc tế. Trình độ KHCN được áp dụng trong ngành Dầu khí rất cao và phát triển nhanh. Trong khi đó có thể nói Việt Nam chưa có đủ vốn, kỹ thuật và công nghệ để độc lập tiến hành các hoạt động dầu khí. Các công ty dầu khí đa quốc gia vẫn có ảnh hưởng lớn trong các hoạt động dầu khí ở Việt Nam. Chúng ta vẫn đang phải đối mặt với thách thức "làm thuê" trên sân nhà nên nhanh chóng làm chủ kỹ thuật và công nghệ mới là một yêu cầu cấp bách.

PV: Nhu cầu về nhân lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong những năm tới có quy mô và đặc điểm ra sao, thưa ông?

TS Nguyễn Văn Minh: Giải pháp con người được xác định là một trong 3 giải pháp đột phá có vai trò then chốt để thực hiện thành công Chiến lược tăng tốc phát triển của Petrovietnam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025. Hiện nay và trong những năm tới Tập đoàn cần rất nhiều những cán bộ có năng lực chuyên môn và năng lực quản lý, làm chủ được những công nghệ mới nhất, giỏi ngoại ngữ và có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế hóa. Từ nay đến năm 2020, hàng năm Tập đoàn cần thêm khoảng 500 cán bộ, kỹ sư; tỉ lệ đào tạo thay thế hàng năm khoảng 3% tức là 800-1.000 người/năm. Trong thời gian tới chương trình đào tạo của Tập đoàn sẽ tập trung đào tạo đồng bộ cả 3 nhóm cán bộ: cán bộ lãnh đạo, cán bộ khoa học - công nghệ đầu ngành và cán bộ quản lý sản xuất - kinh doanh. Đào tạo nhằm đáp ứng 3 mục tiêu là, hướng tới hiện đại, chuyên nghiệp, hướng ra thế giới và hướng tới tương lai.

PV: Vị trí của Trường ĐHDKVN trong Chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực của Tập đoàn, thưa ông?

TS Nguyễn Văn Minh: Việc thành lập Trường ĐHDKVN là một bước đi có tính chất chiến lược để thực hiện các mục tiêu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Petrovietnam. Thứ nhất, Tập đoàn giao cho ĐHDKVN nhiệm vụ đào tạo đại học và trên đại học về lĩnh vực dầu khí và năng lượng với mong muốn trường sẽ trở thành cái nôi đào tạo ra những lớp người năng động, những kỹ sư, chuyên gia dầu khí tài năng, những người đi tìm lửa thời đại mới, tiếp bước cha anh trong sự nghiệp đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển giáo dục và kinh tế của đất nước. Thứ hai, trường sẽ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ - một nhiệm vụ ngày càng có tính chất quyết định thành công trong ngành Dầu khí và năng lượng. Thứ ba, Tập đoàn giao cho trường tổ chức các chương trình đào tạo thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao với mục đích cập nhật, nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên Tập đoàn, đảm bảo luôn đáp ứng yêu cầu sản xuất - kinh doanh.

PV: Petrovietnam là một tập đoàn kinh tế, những kinh nghiệm đào tạo nào có thể gọi là nền tảng khi xây dựng Trường ĐHDKVN?

TS Nguyễn Văn Minh: Ngay từ những ngày đầu thành lập, những thuận lợi và khó khăn luôn coi việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Những năm qua, Tập đoàn đã có những định hướng mang tính chiến lược trong việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực Dầu khí. Tập đoàn đã có Trường cao đẳng Nghề Dầu khí, thành lập từ năm 1975 tại Vũng tàu, chuyên đào tạo cán bộ kỹ thuật làm việc trực tiếp cho ngành Dầu khí; Viện Dầu khí thành lập năm 1978 là đơn vị đảm trách mảng nghiên cứu khoa học. Việc thành lập Trường ĐHDKVN đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ đắc lực cho giai đoạn phát triển tăng tốc của Tập đoàn, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tập đoàn có nhiều kinh nghiệm đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật và làm rất tốt việc này trong những năm vừa qua. Thế mạnh lớn nhất khi xây dựng Trường ĐHDKVN là Tập đoàn có một đội ngũ đông đảo chuyên gia kỹ thuật và quản lý trình độ cao, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn với khoảng 300 người có trình độ tiến sĩ và 1.500 người có trình độ thạc sĩ. Đội ngũ này sẽ được huy động tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập, thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học tại Trường ĐHDKVN.    

PV: Là một mô hình mới chưa từng có ở Việt Nam, theo ông, những thuận lợi và khó khăn của Trường ĐHDKVN là gì?

TS Nguyễn Văn Minh: Thuận lợi lớn nhất của Trường ĐHDKVN là chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước đã mở đường cho các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động Giáo dục và đào tạo. Nhờ chính sách này, Petrovietnam có thể đầu tư một cách bài bản và lâu dài để chủ động phát triển nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí và đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của đất nước. Hiện nay ngành giáo dục và đào tạo đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ. Đây là cơ hội lớn cho các trường đại học mới nếu tiếp cận được với tinh hoa công nghệ giáo dục và đào tạo của thế giới. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như chưa có một mô hình rõ ràng để áp dụng nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn giảng viên trình độ cao và chủ trương xã hội hóa giáo dục không phải lúc nào cũng đạt được sự đồng thuận xã hội.

PV: Ngoài vai trò chủ đầu tư Petrovietnam sẽ có những hình thức hỗ trợ gì cho Trường ĐHDKVN?

TS Nguyễn Văn Minh: Petrovietnam đang triển khai xây dựng cơ sở chính của Trường tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với số vốn đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 3.000 tỉ đồng. Cơ sở vật chất của Trường sẽ được xây dựng đồng bộ với hệ thống phòng thí nghiệm, thư viện hiện đại để đảm bảo điều kiện giảng dạy và học tập tốt nhất. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ hỗ trợ toàn diện Trường về cơ chế, nhân lực và vật lực, phân công các tổng công ty lớn xem xét đỡ đầu một khoa hoặc một bộ môn của trường, giao trường làm việc để ký thỏa thuận hợp tác với các đơn vị trong Tập đoàn gửi sinh viên đến thực tập, làm việc tại các đơn vị để sinh viên có khả năng làm việc ngay sau khi ra trường. Xin lưu ý là cần phải tạo điều kiện để các em thực sự và trực tiếp tham gia vào các công việc để các em rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Trong thời gian xây dựng trường tại Vĩnh Phúc, Tập đoàn sẽ cho phép Trường sử dụng một số phòng thí nghiệm chuyên ngành của các đơn vị trong Tập đoàn như Viện Dầu khí Việt Nam hay Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro.      

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!