Ký sự: Mùa hè xanh lần đầu tiên trong đời


Ký sự
Mùa hè xanh lần đầu tiên trong đời

10 ngày làm sinh viên tình nguyện trong chiến dịch mùa hè xanh đầu tiên trong đời về xã Phạm Văn Cội – Huyện Củ Chi - Tp HCM đã cho tôi biết bao những kỉ niệm, những bài học và thật nhiều tình yêu thương về con người và vùng đất nơi đây-vùng đất thép của niềm tự hào, của những chiến công hiển hách. Củ Chi nơi đây, một vùng đất mà xương máu đã hóa thành sắt đá khi đối mặt vời kẻ thù, một vùng đất với tinh thần bất khuất, kiên cường, sống mãi vì Tổ quốc thân yêu.

Ngày đầu tiên của chiến dịch, đúng 8h sáng chúng tôi khởi hành từ thành phố biển thơ mộng Vũng Tàu. Suốt chặng đường dài tới 5 tiếng đồng hồ nhưng hầu như tôi không thấy sự mệt mỏi trên khuôn mặt của những đoàn viên thanh niên PVU nhiệt huyết mà trái lại, luôn tràn đầy sự khát khao với tinh thần ở "Đâu cần thanh niên có, ở đâu khó có thanh niên" … là những tiếng hát khỏe khoắn, vui tươi và đầy khí thế :

 …Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta,
mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay….

Hay là …

 …Đi lên thanh niên chớ ngại ngần chi
Đi lên thanh niên làm theo lời bác
Không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biến quyết chí cũng làm nên…

Cả những ca khúc về mùa hè nhộn nhịp:

Bao yêu thương ơi mùa hè xanh vấn vương, đi muôn phương lưu luyến tình quê hương.
Trong tim ta ơi mùa hè xanh thiết tha. Vang câu ca trên những chặng đường xa…

Chuyến đi dài dường như sắp kết thúc khi đoàn xe đã nhìn thấy tấm bảng thật to : Vùng đất Củ Chi anh hùng chào đón quý khách. Thầy Trung-trưởng đoàn đứng lên thông báo cho mọi người biết :

-  Điểm đến của chúng ta là xã Phạm Văn Cội-Huyện Củ Chi nha…chắc cũng sắp đến rồi đấy mọi người chuẩn bị nha…

Đi dọc tuyến đường vào xã Phạm Văn Cội-H.Củ Chi là quang cảnh bình yêu của một vùng quê, nó làm cho tôi nhớ lại quê hương với những hình ảnh quen thuộc. Đâu đó là lũy tre làng rì rào trong tiếng gió, đồng cỏ xanh mướt với những chú bò ngơ ngác, những em bé vác cần đi câu cá …ôi tuổi thơ dữ dội của tôi, ôi quê hương yêu dấu…sao mà nhớ đến thế !

Đúng 14h đoàn xe chúng tôi đã đến xã Phạm Văn Cội, đoàn thanh niên tình nguyện của trường Đại học Dầu Khí Việt Nam có khoảng 80 đoàn viên được chia đều ra 5 ấp để sinh hoạt. Tôi ở nhóm 1 – đồng thời cũng là nhóm trưởng, mọi người cũng gọi đùa là "anh ấp" –cái tên nghe khá là ngộ nghĩnh.

Xuống đến Ấp 1, chúng tôi được bà con nhân dân chào đón nồng nhiệt, đặc biệt là chú Ngọc trưởng ấp và cô Liên phó ấp. Mọi người rất thân thiện, giúp đỡ chúng tôi thu xếp hành lý, dọn dẹp vệ sinh nơi ở mới…vừa làm, vừa nói chuyện vui vẻ và mọi người nhanh chóng làm quen nhau. Cuối cùng cũng phải mất cả 3 tiếng đồng hồ mọi thứ mới đi vào sự ổn định. Những  kỉ niệm đầu tiên tại ấp 1 thân thương này đã bắt đầu xuất hiện. Những tưởng bữa cơm thân mật sẽ kết thúc một ngày đầy mệt nhọc và cũng thật nhiều thú vị thì đến tối khi các bạn nữ được tắm trước và đi ngủ, thì đến lượt các bạn nam lại hết nước để tắm…vì chúng tôi sử dụng nước giếng khoan nên phải bơm bằng máy. Mấy đứa con trai vận lộn với cái máy bơm, loay hoay mất cả nửa tiếng dòng nước mới được bơm lên trong sự sung sướng tột độ của cả bọn. Cảm giác cứ như là lần đầu tiên nước về với bản làng!

Đội tình nguyện tại bia tưởng niệm liệt sỹ
Đoàn viên thanh niên trường ĐH Dầu Khí VN tại đền liệt sĩ xã Phạm Văn Cội

Ngày thứ 2 đã đến, mọi người thức dậy trong tiếng gà gáy, trong tiếng loa phát thanh…những hình ảnh quen thuộc của một làng quê Việt Nam, sau đó cùng nhau ăn sáng. Đúng như lịch trình đã được lên kế hoạch sẵn 7h30 cả nhóm tập trung và hành quân lên ấp 3-trung tâm của xã Phạm Văn Cội để bắt đầu chiến dịch bảo vệ môi trường. Cái nắng cháy da thịt ở Củ Chi không ngăn cản được sự nhiệt tình, sự say mê của các đoàn viên chúng tôi. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân nơi đây, người thì giúp một tay cùng làm, người thì cho mượn đồ đạc như quốc, xẻng, dao…và đặc biệt là những xô nước trà đá thật thơm ngon và mát lạnh. Dường như tình yêu thương đó đã xua tan đi tất cả những gì gọi là mệt nhọc, là nóng bức. Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc công việc: nạo vét hơn 200m kênh mương, và trồng hoa quanh khu vực đền liệt sĩ. Buổi chiều thì nhóm nào lại trở về với ấp đó để sinh hoạt. Ấp 1 của chúng tôi thì đã định sẵn được kế hoạch với một chiến thuật riêng. Từng nhóm nhỏ 2,3 thành viên được chúng tôi cắt cử đi tuyên truyền tại các hộ gia đình, tại các trường học nhằm "dụ" các bé đến văn phòng ấp để sinh hoạt ca hát, dạy học. Một số thì cắt cỏ quanh khu vực Ấp 1, một số thì đi lấy củi để nấu ăn. Tối hôm đó ngoài cả sự mong đợi của chúng tôi, không chỉ những em nhỏ mà cả những người dân quanh đó cũng xum vầy đông đủ. Một khung cảnh vui nhộn, tấp nập và ấm cúng bao chùm toàn văn phòng ấp1… mà đã từ rất lâu người dân địa phương không được chứng kiến. Các em bé thì tranh nhau chơi trò chơi, nhận kẹo; số đông khác thì tranh thủ đăng kí học thêm hè với rất nhiều môn như Hóa học, Toán, Lý, tiếng Anh…từ nhiều độ tuổi khác nhau;  những người lớn thì nhộn nhịp phía xa cổ vũ cho con em họ vui chơi…tất cả như một gia đình !

Thanh niên tình nguyện tham gia nạo vét kênh mương1 Thanh niên tình nguyện tham gia nạo vét kênh mương2

Thanh niên tình nguyện tham gia nạo vét kênh mương

Và mọi việc cứ thế diễn ra…
    

Lớp học hè cho các em nhỏ ấp 1 xã Phạm Văn Cội vàBữa cơm thân mận của nhóm1 Lớp học hè cho các em nhỏ ấp 1 xã Phạm Văn Cội vàBữa cơm thân mận của nhóm2
Lớp học hè cho các em nhỏ-ấp 1 – xã Phạm Văn Cội vàBữa cơm thân mận của nhóm

Các ngày tiếp theo như đã được lập trình sẵn. Buổi sáng chúng tôi vẫn đi lên ấp 3 nhưng không phải "cuốc bộ" mấy cây số nữa mà được đưa đón bằng "chuyên cơ dân dụng" để làm công tác môi trường. Chiều về lại sinh hoạt tại ấp. Tối đến chúng tôi mở các lớp dạy hè cho các bé. Một ngôi trường nhỏ đã xuất hiện ở đây với các lớp Toán, Lý , Hóa, tiếng Anh…các em được học trong một môi trường đầy yêu thương và sự tận tụy từ những người thầy không chuyên. Có lẽ chỉ ở đây chúng ta mới bắt gặp được những lớp học không SGK chỉ cần vở, bút rất nhiều học trò với nhiều độ tuổi khác nhau trong môn tiếng anh của "cô giáo" Huệ, hay là lớp học 1 trò nhưng có 1 thầy giảng và có tớ 3 thầy cô giáo khác phụ giảng của cô Tiên…tôi tham gia dạy cho 2 em học sinh lớp 8 về môn Hóa học. Các bé rất thông minh, nhanh nhẹn và ham học…và thỉnh thoảng vẫn vận lộn vời chiếc máy bơm nước. Ngày nào cũng mệt nhọc nhưng cũng chẳng bao giờ thiếu đi niềm vui và kỉ niệm !

 

Chuyên cơ dân dụng
"Chuyên cơ dân dụng"

Thời gian trôi đi thật nhanh đã đến ngày thứ 8 rùi. Hôm nay khác với mọi hôm chúng tôi được đi tham quan tại khu Nông Nghiệp Công Nghệ Cao. Ở đây chúng tôi thật sự choáng ngợp không chỉ bởi sự tiếp đón nồng hậu của các cán bộ, nhân viên trong khu Nông Ngiệp mà còn được tận mắt chứng kiến những máy móc, phương pháp KH-KT áp dụng cho sản xuất và phát triển nông ngiệp, những vườn cây, ao cá…hay là những nông sản tươi sạch đã thật sự cuốn hút chúng tôi. Có lẽ ấn tượng nhất là vườn hoa lan với đủ sắc màu và chủng loại…còn chiều hôm đó đúng ra sẽ là buổi sinh hoạt cuối cùng với các em nhỏ quanh ấp 1 nhưng chúng tôi chỉ kêu các em lại để tâm sự, dặn dò hướng các em đến một tương lại tương đẹp.

Một số hình ảnh tại khu NNCNC:

Một số hình ảnh tại khu NNCNC1
Một số hình ảnh tại khu NNCNC2
Một số hình ảnh tại khu NNCNC3

Ngày thứ 9-cũng là ngày cuối cùng với các kế hoạch của đoàn được diễn ra. Sáng hôm đó chúng tôi được đi tham quan Địa Đạo Củ Chi-vùng đất của những anh hùng. Đến với nơi đây, được các hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về vùng đất "chết" kiên cường này, giới thiệu về những kì tích của các anh bộ đội cụ Hồ, chúng ta lại càng cảm nhận được sức mạnh của quân và dân ta. Quân xâm lược Mĩ đã phải hoảng loạn mà thốt lên rằng "Không đâu thấy bóng dáng Việt Cộng, mà đâu đâu cũng có Việt Cộng" nơi những hầm chông là lỗi khiếp sợ vợi mọi kẻ thù.

 

 
Thành viên Ấp 1 tại Địa Đạo Củ Chi

Khi chúng tôi được xuống tham quan Địa Đạo Củ Chi mới thấy được không nơi đâu, không ở đất nước nào có được những kiến trúc sư tài giỏi đến như vậy. Những hầm bẫy được đặt một cách khoa học, không cho quân thù một cơ hội tìm kiếm, những ngõ ngách dẫn về mọi hướng với tổng độ dài lên tới…với nhiều độ sâu khác nhau có chỗ lên tới 12m. Sau một hành trình dài xuống hầm khám phá, chúng tôi được thiết đãi món sắn luộc với muối vừng…ôi sao mà ngon thế, chưa bao giờ tôi được ăn món sắn luộc ngon đến như vậy rùi cả món bánh ích-mật ong thơm ngon, quyện vào đó là hương thơm dịu của nhg cốc nước trà nóng hổi vừa uống vừa thổi này…đến tận đầu giờ chiều chúng tôi mới lên xe trở lại xã Phạm Văn Cội để chuẩn bị cho buổi giao lưu đá bóng và văn nghệ với xã đoàn. Rất nhiều các tiết mục công phu được các em nhỏ và đoàn viên thanh niên trường ĐH Dầu Khí VN cùng đoàn viên xã Phạm Văn Cội trình bày…kết thúc đêm đó là buổi nhậu nhẹt tới bến của các đoàn viên và bà con nhân dân xã Phạm Văn Cội-nó như một lời chia tay sâu sắc, một sự chi ân đầy kỉ niệm…

Cái ngày mà chúng tôi chẳng muốn chút nào cũng đã đến, cái ngày phải thu xếp, dọn dẹp mọi thứ để ra về. Trong một buổi sáng trời mưa như muốn níu kéo tất cả, thì chúng tôi phải dạy sớm hơn mọi ngày-cái điều mà chẳng ai muốn chút nào, ai cũng mệt mỏi sau một đêm quần nhau với những ly rượu tâm tình, bà con nơi đây cũng ra giúp đỡ chúng tôi thu xếp mọi thứ. Dường như họ cũng muốn làm thêm những thứ gì đó có thể để cảm ơn chúng tôi. Trong những ngày ngắn ngủi đó chúng tôi cũng đã làm thay đổi ít nhiều nơi đây. Nghĩa tranh liệt sĩ như nghiêm trang hơn.  Đường làng, kênh mương như sạch đẹp hơn và những đứa trẻ nhút nhát kia như thông minh, lanh lợi và ngoan ngoãn hơn hẳn. Lại nhắc đến những đứa trẻ, chúng chỉ đứng vây quay nhìn chúng tôi. Tôi nhận ra trong ánh mắt của chúng nó là sự nuối tiếc, là sự buồn tẻ trong những ngày sắp tới khi không có chúng tôi cùng vui chơi, cùng dạy học…Bíp Bíp…tiếng còi xe đến đón chúng tôi vang lên cũng là lúc những giọt nước mắt của những đứa trẻ thơ ngây kia rơi xuống…ôi sao mà thương chúng nó đến thế, sao mà yêu chúng nó đến vậy…cả nhóm cũng không cầm được cảm xúc chạy òa lại ôm chầm mấy đứa trẻ lại dặn dò, hứa hẹn sẽ quay lại và chụp ảnh lưu niệm với mọi người. Những cái vẫy tay chào là hình ảnh cuối cùng chúng tôi nhận được để chia tay nơi này…bất chợt tôi nhận ra đứa học trò tôi dạy đã về từ khi nào mà không ai hay…tôi cũng thấy buồn lắm sao nó lại bỏ về vậy? Nó là đứa đến đầu tiên, đến trước cả lúc tôi dạy…vậy mà giây phút này nó ở đâu? Nhưng thôi, cái giờ chia tay đến rùi, phải về lại Vũng Tàu thôi.

 

Mọi người lưu luyến chia tay nha
Mọi người lưu luyến chia tay nhau

Hành trình trở lại sao mà dài đến thế, ai cũng cảm thấy mệt mỏi và đều lăn ra ngủ có lẽ mọi người vẫn còn mệt sau một đêm hết mình, ngay cả tôi-một người rất khỏe cùng dần chìm vào giấc ngủ kia. Bỗng nhiên xe phanh gấp tôi chợt tỉnh giấc và cũng thật trùng hợp điện thoại có tin nhắn đến. Thì ra đó là tin nhắn của Pé Kiệt-cái đứa mà bỏ về trước…mở tin nhắn ra đọc mà tôi dơm dớm nước mắt "Anh em ta về cùng nhau ta xum họp này 1,2,3,4,5 anh em ta về cùng nhau ta quay quần này 5,4,3,2,1. 1 đều chân bước nhé, 2 quay nhìn nhau đi, 3 cầm tay chặt nhé ko muốn ai chia lìa, 4 nhớ mãi chung anh em 1 nhà, 5 nhớ mãi tình người trong câu ca…cho em gửi lời bài hát đến tất cả các anh chị và đừng quên ấp 1 thân yêu này" tôi bịn rịn trong nước mắt trước tình cảm mà tôi tin từ trong đáy lòng của một đứa trẻ…tôi cũng đã đáp lại tình cảm đó bằng một tinh nhắn trong sự xúc động "Các em ở lại ngoan nhé. Chịu khó học hành, các anh chị yêu thương các em lắm. Bọn anh sẽ luôn nhớ về các em, luôn nhớ về ấp 1 thân yêu" có lẽ do quá xúc động nên tôi chỉ viết được đến vậy. Suốt quãng đường dài còn lại tôi chẳng ngủ được, ngồi suy nghĩ về những ngày đã qua, nhớ lại những kỉ niệm ngập tràn…Nếu không có chiến dịch mùa hè xanh này thì có lẽ tôi đã có một kì nghỉ hè buồn tẻ nhưng nhờ có nó-có đợt tình nguyện đầu tiên trong đời mà tôi mới nhận ra được nhiều điều tuyệt vời đến thế…xung quanh chúng ta còn có rất nhiều thứ phải làm để có thể mang lại một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc cho nhiều người và cho chính chúng ta, quan trọng là chúng ta có tìm hiểu có tiên phong có hành động hay ko??? Hỡi các đoàn viên thanh niên dưới lá cờ đoàn, hỡi những công dân dưới sự lãnh đạo của Đảng…còn rất nhiều nơi, rất nhiều con người cần đến sự chung tay góp sức của chúng ta. Hãy hành động theo tiếng gọi của "trái tim"!


Nguyễn Đức Hoàng